Lâu nay, Premier League vẫn được mệnh danh là giải đấu hấp dẫn nhất châu Âu. Nhưng trong cuộc chiến khốc liệt của tiền bạc và sự cạnh tranh, sân chơi số 1 nước Anh đang dần hoen ố bởi những màn ăn vạ thô thiển và xấu xí…
Giải đấu nào hấp dẫn nhất châu Âu? Đó vẫn là câu hỏi gây nhiều tranh cãi. Nhưng nếu nhìn vào kết quả lượt đi của mùa giải này, có thể khẳng định Premier League đang tạo được cuộc đua tranh khốc liệt nhất. Minh chứng là 3 đội bóng dẫn đầu (Arsenal, Man City và Chelsea) chỉ hơn kém nhau 1 điểm. Hay thậm chí Liverpool, Everton, Tottenham hay Man Utd vẫn còn nguyên cơ hội bứt phá để giành ngôi vương.
Về cơ bản, đây chính là yếu tố quan trọng để khẳng định sự thành công của một giải đấu. Nhưng bên cạnh vẻ hào nhoáng bề ngoài, Premier League đang mất dần vẻ đẹp thân thiện bởi những màn ăn vạ xấu xí. Đó cũng là âm hưởng chung toát lên từ vòng 20 và giai đoạn lượt đi Premier League mùa này. Mà nói như cựu trọng tài Graham Poll, Premier League chưa bao giờ xảy ra nhiều tranh cãi về những màn ăn vạ tới vậy!
Pha ăn vạ đáng bị chỉ trích của Oscar trong trận gặp Southampton đêm qua |
Điển hình như ở loạt trận đêm qua, đã có hàng tá tình huống tranh cãi nổi cộm. Trong đó, không thể không kể tới 2 cú ngã của Oscar (Chelsea) và Adnan Januzaj (Man Utd). Bộ đôi này hoàn toàn có thể làm tốt hơn để mang về cho đội nhà những bàn thắng. Nhưng đằng này, họ lại gục ngã trên đường pitch như thể đã đầu hàng số phận. Đó là thất bại của bóng đá! Bởi vậy, dù có được hưởng phạt đền và mang về chiến thắng cho đội nhà, họ cũng không thể mang tới nụ cười cho các CĐV.
Đó chỉ là 2 trong số rất nhiều tình huống tranh cãi đã diễn ra ở lượt đi Premier League mùa này. Nó tái hiện nhiều tới mức FA đã từng phải lên kế hoạch áp dụng công nghệ video “chống ăn vạ”. Theo đó, những camera truyền hình sẽ kiêm luôn vai trò trợ lý trọng tài. Khi có tình huống tranh cãi xảy ra, các ông vua sân cỏ sẽ được hỗ trợ từ những pha quay chậm và sẽ có quyết định chính xác hơn.
Phương án trên sẽ mang tới một công cụ đắc lực cho các trọng tài nhưng lại là sự thất bại toàn diện của FA trong việc đào tạo tư tưởng cầu thủ. Đó là mặt trái của cuộc cạnh tranh khốc liệt. Vì điểm số, các cầu thủ có thể bất chấp tất cả, kể cả việc bán rẻ thanh danh và tên tuổi.
Dù còn rất trẻ song Januzaj đã có nhiều tình huống ăn vạ trắng trợn |
Trong khoảng 10 năm trước, phải khó khăn lắm người ta mới tìm ra 1 vài pha ăn vạ thô thiển tại Premier League mà đa phần chủ thể là các ngôi sao lắm tài nhiều tật ở Nam Mỹ. Còn nay, những “kịch sĩ” mọc lên nhan nhản giữa lòng nước Anh, thậm chí là cả những tài năng trẻ chưa bước sang độ tuổi 23. Phải chăng một vài CLB đã cố tình biến thói ăn vạ trở thành “chiến thuật” trong thế bế tắc? Nếu như vậy, đây thực sự là hệ lụy xấu xa nhất của bóng đá thời buổi thị trường…
Chỉ cần search cụm từ “ăn vạ Premier League” trên google, bạn sẽ ngay lập tức nhận được 464 nghìn kết quả chỉ trong vòng chưa đầy 2 giây. Điều đó cho thấy thói ăn vạ không chỉ dừng lại ở 2 chữ phản cảm mà nó đã thực sự trở thành vấn nạn của môn thể thao vua. Thậm chí, cựu trọng tài Graham Poll còn cho rằng đây là vấn nạn nguy hiểm chẳng kém nạn bán độ và dàn xếp tỉ số.
Điều tệ hại là các HLV Premier League đều ra sức bảo vệ cầu thủ của mình. Thậm chí, vì chiến thắng của đội nhà, họ không cần biết tình huống đấy diễn ra như thế nào. Rõ ràng, trong tư tưởng, các cầu thủ đã không được rèn giũa một cách nghiêm khắc. Và ngày qua ngày, thói ăn vạ vẫn tiếp diễn như điều mà người hâm mộ bóng đá phải chấp nhận sống chung.
Hệ quả thì ai cũng nhìn thấy! Trước hết, nó ảnh hưởng lớn tới chất lượng của các trận đấu. Đơn cử như trường hợp của West Brom mùa này! Họ đã mất 2 điểm vì pha ăn vạ thô thiển của Ramirez ở phút bù giờ thứ 5. Nên nhớ, đó chưa phải trận đấu có ý nghĩa sống còn tới chức vô địch mùa này.
Thứ hai, thói ăn vạ khiến NHM trái bóng tròn mất dần niềm tin vào bóng đá. Họ mất tiền và mang tới SVĐ ngọn lửa đam mê nhưng lại phải nhận “món quà xấu xí”. Chẳng có nụ cười nào gượng gịu hơn việc ăn mừng 1 quả 11m đến từ màn ăn vạ thôi thiển. Giờ đây, đến cả những hậu vệ đẳng cấp cũng chẳng dám vào bóng 1 cách quyết liệt bởi chỉ sơ sẩy chút ít, họ sẽ phải nhận hậu quả từ những cái bẫy đã giăng sẵn.
Giờ thì có ngã, Suarez cũng bị các trọng tài cảnh giác |
Và thứ ba, điều được nói tới nhiều nhất chính là sự trả giá của các cầu thủ. Cũng từ hành vi gian xảo trong quá khứ của mình, Ashley Young và Luis Suarez đã được xếp vào hàng những ngôi sao có “tiền sử” ăn vạ. Tình thế của họ chẳng khác nào cậu bé nói dối trong chuyện ngụ ngôn “chú bé chăn cừu”. Đêm qua, Ashley Young đã ngã sau pha va chạm với thủ thành Hugo Lloris. Về nguyên tắc, đó là tình huống xứng đáng được hưởng 11m. Nhưng trọng tài đã nói không bởi họ đã lường trước những cái bẫy vô hình.
Đó là cái giá quá đắt mà họ phải trả cho thói quen xấu xí của chính mình. Tiên trách kỉ, hậu trách nhân! Suy đi tính lại, chỉ có những CĐV chân chính là những người chịu thiệt…